SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ

Một hôm, bỗng nét mặt đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật rạng rỡ như khối vàng rực sáng. Tôn giả Anan hầu cận ngạc nhiên vội vàng thưa hỏi nguyên do. – Lành thay ! Lành thay, lời hỏi công đức vô lượng. Tương lai hàm linh nhân câu hỏi này mà được giải thoát. Bởi vì ta đang nghĩ về quá khứ lâu xa, cách hơn 10 kiếp, có một nước tên là Diệu Hỷ, vua cha là Nguyệt Thượng Luân vương, mẹ là Thù Thắng Diệu Nhan. Vương hậu sanh ra ba người con: người con trưởng là Nhựt Nguyệt Minh, người con thứ hai là Kiều Thi Ca, người con thứ ba là Nhật Đế Chúng. Khi ấy có đức Phật ra đời hiệu là Thế Tự Tại Vương Như Lai. Kiều Thi Ca bỏ ngôi vinh quí theo Phật Thế Tự Tại xuất gia, thọ Kỳ kheo giới, Phật cho hiệu là Pháp Tạng Tỳ kheo.. Lập nguyện tạo một cảnh giới thù thắng. Hào quang tiếp dẫn sáu nẻo luân hồi về hưởng bình an, tiến tu vô thượng Bồ-đề. Quyết định suốt đời vị lai đưa chúng sanh về cảnh Phật.

Đức Thế Tự Tại Vương Như Lai biết người cao minh, liền vì nói 210 ức cõi Phật, giúp thần lực cho thấy các cõi ấy. Thời pháp trải ngàn ức năm. Rồi lại trải 5 kiếp suy tư, Pháp Tạng Tỳ-kheo thông đạt rõ ràng phải tu những hạnh thanh tịnh thế nào để trang nghiêm cõi Cực Lạc của mình.
Đức Phật khuyên : Lành thay ! Nay thật phải lúc, ông nên tác bạch, đại chúng chứng minh.
Pháp Tạng phát 48 đại nguyện. Nguyện nào cũng nhấn mạnh nếu không viên mãn quyết không thành Phật.

Nguyện thành Phật hiệu A Di Đà (Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ, Vô Biên Công Đức). Chúng sanh chỉ cần niệm 10 lần danh hiệu, chí tâm hồi hướng, quyết định vãng sanh duy trừ ngũ nghịch và phỉ báng chánh pháp. Trong nước không có cái tên ác đạo huống là có thật.
Trời người ai cũng đủ sáu thần thông, thọ mạng không lường, hưởng thọ khoái lạc như lậu tận Tỳ-kheo, đủ 32 tướng đại nhân, rốt ráo đều tới nhất sanh bổ xứ.

Pháp Tạng Tỳ-kheo trụ tuệ chân thật, nương chân đế xa lìa hết thảy hư vọng (vọng thân, vọng cảnh, vọng tâm). Dõng mãnh tinh tấn nhất hướng chuyên chí trang nghiêm cõi diệu. Cảnh giới rộng lớn nghiêm tịnh, quang lệ cực diệu, không đâu sánh bằng. Hương thơm huân khắp mười phương thế giới, mười phương Bồ-tát nhận được hương này đều viên mãn Phật hạnh.


Cõi Cực Lạc, một khi đã kiến lập rồi, không suy không biến. Đức Pháp Tạng Tỳ-kheo thành Phật, nay đã 10 kiếp, ở cõi Cực Lạc phương Tây, cách Diêm-phù-đề, trăm ngàn câu-chi na-do-tha cõi. Hiện đang thuyết pháp. Vô lượng vô số Bồ-tát kính thọ tu hành.

Cõi Cực Lạc từ tánh chân không hiện các diệu hữu nên không thể nghĩ bàn. Chỉ cần thấy quang sắc hoặc nghe âm thanh hay ngửi được hương thơm, hoặc nếm quả vị hay chạm diệu xúc, hoặc nhớ diệu cảnh liền được sáu căn thanh tịnh, thông triệt minh tỏ, trụ bất thoái chuyển cho đến thành Phật.

Oai thần quang minh Phật A Di Đà tối tôn bậc nhất, chiếu khắp mười phương. Quang minh rực rỡ nên Ngài có 12 tên :
1- Vô Lượng Quang.
2- Vô Biên Quang.
3- Trí Tuệ Quang.
4- Thường Chiếu Quang.
5- Thanh Tịnh Quang.
6- Hoan Hỷ Quang.
7- Giải Thoát Quang.
8- An Ổn Quang.
9- Vô Ngại Quang.
10- Vô Đẳng Quang.
11- Siêu Nhật Nguyệt Quang.
12- Bất Tư Nghì Quang.

Chí tâm xưng tán quang minh Phật A Di Đà, ngày đêm chuyên cần, sẽ được như nguyện vãng sanh cõi Cực Lạc. Nơi đây chúng Thanh-văn thần trí thông triệt, oai lực tự tại đầy khắp trong nước. Phật cho một thí dụ : Giả sử mười phương chúng sanh đều thành Duyên-giác, thọ vạn ức tuổi, thần thông như đức Đại Mục Kiền Liên. Cùng nhau tính đếm cũng chẳng thể biết được một phần ngàn vạn con số Thanh-văn bên cõi Cực Lạc. Ví như lấy một sợi lông chấm vào biển cả.

Chỗ đếm biết được của các Mục Kiền Liên kia ví như nước dính ở sợi lông. Còn chỗ chưa biết
được ví như nước toàn biển cả. Gió động lá cây, gợn sóng nước, đều vang tiếng pháp, khuyên niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng. Giảng về vô ngã, tánh vô sanh, tu tập từ bi hỷ xả, tăng trưởng Bồ-đề. Chỉ toàn âm thanh vui vẻ nên gọi là Cực Lạc.

Chúng sanh cõi ấy đầy đủ thọ dụng. Những ai đã sanh, đang sanh, sẽ sanh về Cực Lạc,
đều sắc thân vi diệu, trí tuệ sáng suốt, thần thông tự tại. Y phục mũ áo, các thứ trang sức, tự
nhiên đầy đủ tại thân. Nhà ở phòng xá trang nghiêm diễm lệ. Lầu gác điện đường muốn chi có
nấy.

Vuông tròn tùy ý, rộng hẹp tùy tâm. Muốn ở trên hư không, liền có nhà trên hư không. Muốn nghỉ trên mặt đất bằng, liền có nhà trên đất bằng. Nghĩ tới liền hiện. Vạn thứ cần dùng không thiếu không dư. Gió đức nhè nhẹ lướt xuyên màn cửa, len trong lá cây, diễn giảng vô thường vô ngã 10 ba-la-mật. Gió thoảng hương thơm, tiêu trừ tập khí trần lao. Xúc chạm gió đức, thân tâm an hòa điều thích.

Ngày đêm sáu thời mưa hoa từng loại từng màu không xen tạp. Nơi ao nước tám công đức, hoa sen xanh vàng đỏ trắng, quang minh rực rỡ, vi diệu hương khiết. Lại còn những ngọc ma ni sáng choang, hóa hiện vạn ức Phật Bồ-tát. Tiếng pháp nhiệm mầu an lập chúng sanh vào vô thượng đạo. Phật A Di Đà nguyện đưa mười phương chúng sanh, suốt đời vị lai, vào cõi Cực Lạc,
lên đường Niết-bàn. Khiến cho họ giáo thọ nhau, độ thoát nhau. Người trước dẫn người sau
mãi mãi. Như muôn sông ngày đêm đổ vào biển mà biển vẫn y nhiên không tăng không giảm.
Cõi Cực Lạc dù bao nhiêu chúng sanh đổ về vẫn thường như sáng đẹp vui vẻ. Khuyên ai nấy tinh tấn, nỗ lực cầu về cõi Cực Lạc, ắt triệt để siêu thoát. Cảnh chân thật thanh tịnh. Đóng chặt cửa ác thú. Cắt đứt nẻo luân hồi. Giải thoát nạn sanh tử. Thẳng bước lênbờ giác. Đạo thù thắng vô biên. Cõi Cực Lạc đón mời, thật dễ đến. Chỉ cần hành đạo đức, ắt sẽ được trường sanh, an vui không cùng cực.

Có hai Bồ-tát tối tôn bậc nhất. Oai thần quang minh chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới chúng ta. Quán Thế Âm Bồ-tát và Đại Thế Chí Bồ-tát đều đã tu Bồ-tát hạnh ở cõi Ta Bà, vãng sanh về Cực Lạc, hầu cận hai bên đức A Di Đà.


Hiện nay nhân dân cõi Ta Bà gặp tai nạn sợ hãi, quy y Bồ-tát Quán Thế Âm, đều được giải
thoát. Bồ-tát Đại Thế Chí nhiếp thủ chúng sanh niệm Phật, khiến lìa ba đường ác, được vô
thượng lực, đồng sanh Cực Lạc, viên mãn các ba-la-mật, đầy đủ Bồ-tát hạnh, xứng tánh vô
sanh bất diệt, đi khắp mười phương lợi ích tất cả thế gian và xuất thế gian.

Người đời lo cung dưỡng thân sanh già bệnh chết. Vất vả kinh doanh, tạo bao ác nghiệp, chiêu vời quả khổ. Sang hèn giàu nghèo, lớn nhỏ nam nữ, lo nghĩ đêm ngày, vọng tâm sai sử. Ruộng nhà tiền của. Không có lo cho được có. Được 1 muốn 10. Sợ hãi oan gia nước lửa giặc trộm. Tâm tham ý chấp, bo bo bỏn sẻn. Mạng chung xuôi tay, đâu có ai mang theo được gì. Hàng ngày sân giận tranh cãi. Kiếp này chống trái ganh ghét, kiếp sau thành đại oán. Cho nên gấp gấp hòa giải, gấp gấp làm lành. Tâm bình khí hòa để ra đi thanh thoát. Tâm mê thần ám, bừa bãi tạo nghiệp. Chẳng nghĩ thiện ác họa phúc. Mờ mờ mịt mịt, không tin kinh pháp, chẳng nghĩ lo xa. Chỉ biết thỏa thích hiện tại. Tham tiền đắm của. Tuổi thọ hết rồi, đối phó sao đây ? Cưu mang sát nghiệp, ác khí nặng nề. Vọng tâm buông lung, trái nghịch trời đất, đọa thẳng ác đạo, bao giờ tỉnh ra.

Ai nấy suy nghĩ chín chắn. Siêng năng tránh ác, chọn đường lương thiện. Giàu sang tình ái là thứ vô thường, là gốc sầu não, chẳng thể tin cậy. Hãy mau tỉnh ngộ, cầu về Cực Lạc. Nơi đây trí tuệ sáng suốt, công đức thù thắng.

Đức Phật Thích Ca ân cần khuyên chúng ta cầu vãng sanh. Chẳng những một đức Thích Ca ở cõi Ta Bà mà đông tây nam bắc trên dưới mười phương, hằng hà sa thế giới. Mỗi thế giới đều có Phật, tướng lưỡi rộng dài, phóng vô lượng quang minh, nói lời thành thật rằng chúng sanh ngươi nên tin Phật A Di Đà công đức không thể nghĩ bàn. Ai nấy tịnh tín, chí tâm hồi hướng căn lành cầu về Cực Lạc.

Đời trước nếu không tu phước tuệ.
Ngày nay đâu được nghe chánh pháp.
Phải đã từng cúng dường rất nhiều Phật.
Mới vui tin kinh Vô Lượng Thọ.
* * *
Tà kiến như mù trong bóng tối.
Chẳng tin vi diệu pháp Như Lai.
Huống còn biết khai mở cho kẻ khác.
Thọ trì đọc tụng và biên chép.
* * *
Thiện căn sâu nguyện cứu đời.
Quyết định cầu về cõi An Lạc.
Biển phước đức Như Lai sâu rộng.
Chỉ Phật cùng Phật mới rõ biết.
* * *
Thân người khó được, Phật khó gặp.
Diệu pháp nhất thừa nay được nghe.
Thọ trì rộng độ đường sanh tử.
Bậc này chân thật là bạn hiền.

Đức Thế Tôn nói xong, tam thiên đại thiên thế giới sáu thứ chấn động. Đại quang minh chiếu khắp mười phương. Chư thiên trỗi nhạc rải hoa. Cõi sắc giới vang lên tiếng khen: “Chưa từng có”.

Đức Di Lặc Bồ-tát cùng vô lượng Bồ-tát, Anan cùng Thanh-văn chúng, thiên long tám bộ và vô lượng đại chúng ai nấy hoan hỷ tín thọ phụng hành

theo chuaduocsu.org

A-di-đà là tên của một vị Phật quan trọng, được tôn thờ nhiều nhất trong Ðại thừa (s: mahāyāna). A-di-đà là giáo chủ của cõi Cực lạc (s: sukhāvatī) ở phương Tây. Phật A-di-đà được tôn thờ trong Tịnh độ tông tại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Tây Tạng, tượng trưng cho Từ bi và Trí huệ.


Trong Phật gia (s: buddhakula) thì Phật A-di-đà được tôn thờ sớm nhất trong lịch sử, vào khoảng thế kỉ thứ nhất sau Công nguyên. Thân hình của Ngài thường được vẽ bằng màu đỏ, tượng trưng cho màu mặt trời lặn phương Tây. Tay của Ngài bắt Ấn thiền định, giữ Bát, dấu hiệu của một giáo chủ. Những trái cây trong bình bát tượng trưng cho trí huệ phong phú của Ngài. Tòa sen tượng trưng cho sự thanh tịnh và hai con công là biểu hiện của sự thoát hiểm, thoát khổ. Tại Ấn Ðộ và Tây Tạng, người ta tin rằng con công có thể ăn tất cả những chất độc mà không bị ảnh hưởng gì.

Phật A-di-đà cũng thường được trình bày với hình tượng mang vương miện kết bằng ngọc quí, có khi dưới dạng của Pháp Tạng tỉ-khâu, đầu cạo trọc, một dạng tiền kiếp của Ngài. Thông thường, A-di-đà được vẽ ngồi trên tòa sen, tay Ngài bắt ấn thiền hay ấn giáo hóa. Cùng được thờ chung với A-di-đà là hai vị Ðại Bồ Tát, đó là Quán Thế Âm (s: avalokiteśvara), đứng bên trái và Ðại Thế Chí (s: mahāsthāmaprāpta), đứng bên mặt của Ngài. Có khi người ta trình bày Ngài đứng chung với Phật Dược Sư (s: bhaiṣajyaguru-buddha).


Tương truyền rằng A-di-đà từng là một nhà vua. Sau khi phát tâm mộ đạo, Ngài từ bỏ ngôi báu và trở thành một tỉ-khâu với tên Pháp Tạng (s: dharmākara). Ngài quyết tâm tu hành thành Phật và nguyện giúp chúng sinh sống trong cõi Cực lạc của mình cũng sẽ thành Phật. Ngài lập 48 đại nguyện nhằm giúp chúng sinh giải thoát. Các lời nguyện quan trọng nhất là:
" Sau khi ta đạt chính quả, chúng sinh trong khắp mười phương thế giới chỉ cần nghe đến tên ta là đã khởi niệm cầu đạt quả vô thượng. Lúc họ chết mà nhớ nghĩ đến ta, ta sẽ hiện đến cùng quyến thuộc xung quanh để giúp họ khỏi sợ hãi. Nếu không được như thế thì ta quyết không thành Phật«; (19) »Sau khi ta đạt chính quả, chúng sinh trong vô số thế giới chỉ cần nghe đến tên ta, muốn thác sinh trong Tịnh độ của ta để trau dồi thiện nghiệp thì họ phải được toại nguyện. Nếu không được như thế thì ta quyết không thành Phật."

Nhờ phúc đức tu học, cuối cùng Pháp Tạng trở thành Phật A-di-đà, giáo chủ cõi Cực lạc.

theo wikipedia


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét